Như thế nào là một phương pháp học tiếng Anh hiệu quả? Theo tôi, phương pháp đó phải có 3 tiêu chí: Không tốn nhiều tiền, không mất nhiều thời giờ và giúp sử dụng tốt tiếng Anh. Hãy tiếp tục đọc bài viết này nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp như thế.
Đã bao lần bạn được khuyên trước tiên phải học từ vựng khi học một ngoại ngữ. Nào là từ vựng quan trọng hơn cả ngữ pháp, từ vựng là nền móng của ngôn ngữ. Nhưng câu hỏi đặt ra là “Nên bắt đầu học từ đâu? Học như thế nào để mau thuộc mà lại lâu quên?”
Ở loạt bài viết này, tôi sẽ giúp bạn biết cách học từ vựng hiệu quả.
Bước đầu tiên: Xác định phong cách học của mình
Nhóm thứ nhất: Dễ ghi nhớ nếu liên tưởng đến hình ảnh hay âm thanh
Nếu gặp từ money, ngay lập tức trong đầu bạn xuất hiện hình ảnh một cọc Đôla thì bạn nằm trong nhóm người thứ nhất. Hãy học từ vựng bằng hai cách: Viết từ mới ra nhiều lần và dùng hình ảnh.
Rất nhiều người không tài nào nhớ nổi một từ nếu không thấy được “mặt chữ”. Tôi cũng vậy. Tôi chỉ có thể nhớ từ mới nếu viết chúng ra nhiều lần (khoảng 8-10 lần) thay vì phát âm từ đó.
Bộ não của chúng ta hoạt động theo nguyên tắc liên tưởng vì vậy “Hãy liên kết từ mới và một hình ảnh thú vị hoặc quen thuộc với bạn”, như money ở trên.
Một số bạn thắc mắc, với những từ khó tìm ra hình ảnh thì làm sao.
Đừng lo.
Ngay cả khi bạn không tìm được hình ảnh nào tương thích thì chính trong quá trình tìm tòi hình ảnh, vô hình chung từ mới đã được não bộ ghi nhận; với điều kiện bạn viết từ đó nhiều lần.
Với cách này bạn chẳng những nhớ các từ vựng thông thường mà cả thành ngữ cũng không thành vấn đề. Chẳng hạn, It’s no use crying over the spilt milk- khóc lóc chuyện đã rồi thật vô ích.
Bạn thấy chứ, hình ảnh giúp ta dễ nhớ hơn nhiều, phải không?!
Tôi muốn giới thiệu cho bạn cuốn sách “English idioms in use” (Thành ngữ trong tiếng Anh, Michael McCarthy& Felicity o’Dell, NXB Tổng hợp TP. HCM).
Nó cung cấp 60 chủ điểm từ vựng cùng vô số hình ảnh minh họa và các bài luyện tập với hơn 1000 thành ngữ thường gặp nhất.
Nhóm người thứ hai: “Tôi giỏi về âm thanh”.
Hãy nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần cách phát âm của từ.
Bên cạnh đó, hãy sử dụng tiếng mẹ đẻ. Liên tưởng đến những từ phát âm gần giống với từ mới.
Lấy ví dụ, hồi năm lớp 3- lần đầu tiên tôi được học tiếng Anh. Tôi không thể nào nhớ nổi từ tomorrow – ngày mai.
Trong lớp tôi lúc bấy giờ có một cậu bạn tên Tú, thuộc loại nhiều chuyện. Thế là tôi phát âm từ tomorrow thành “Tú mỏ rẩu” (ở nơi tôi sống “mỏ rẩu” chỉ người lắm chuyện). Và tôi nhớ tomorrow.
Bạn thấy đấy, chúng ta luôn dễ nhớ những gì gần gũi và thú vị quanh mình.
Một từ khác, “camping” là cắm trại. Camp và cắm, khi đọc hai từ này bạn sẽ thấy được sự tương đồng trong cách phát âm.
Tương tự như quá trình tưởng tượng ra hình ảnh để liên kết với từ mới, cho dù không tìm được âm thanh “gần giống” trong tiếng mẹ đẻ thì não bộ cũng đã ghi nhận từ đó.
Thực tế, một số bạn chỉ học tốt nếu gắn việc học với sự vận động. Lấy ví dụ, từ vựng đó phải vừa có hình ảnh, vừa có âm thanh và đang chuyển động thì bạn mới nhớ được.
Vậy câu hỏi đặt ra là “Nếu phong cách học của tôi không thuộc dạng hình ảnh lẫn âm thanh thì sao?”.
Chẳng sao cả.
Hãy thử nhiều cách. Bạn thấy cách nào giúp mình dễ nhớ từ vựng hơn thì áp dụng.
Bước 2: Tạo môi trường tiếng Anh.
Thế nào là một môi trường tiếng Anh? Nghĩa là tiếng Anh lúc nào cũng được sử dụng trong không gian bao quanh bạn. Những thứ bạn nghe, đọc, viết, nói thậm chí chơi cũng đều bằng tiếng Anh.
Một người bạn của tôi dán rất nhiều mẩu giấy ghi từ mới khắp phòng, dán tên tiếng Anh lên những đồ vật trong nhà.
Cô ấy thấy cách đó rất hiệu quả vì cô học một cách vô thức. Ngày nào cũng nhìn thấy chúng và ghi nhớ chứ không phải “sống chết để thuộc”.
Khi nấu ăn, vừa nhìn vừa lẩm nhẩm cách phát âm. Khi đánh răng cũng học. Khi tắm cũng học.
Mỗi ngày 10 từ, không nhiều hơn. Khi đã thuộc thì gỡ xuống và dán từ khác lên.
Cũng là học từ vựng bằng những mẩu giấy nhỏ, nhưng thay vì dán chúng khắp nhà, bạn hãy để trong túi áo, sách vở, trong ví..vv.
Tranh thủ xem qua từ vựng trong lúc đợi xe bus, đợi thang máy hay xếp hàng mua vé xem phim.
Bạn có thể thực hiện việc này dễ dàng với những bộ flashcard – thẻ học từ vựng có bán sẵn.
Giữ bên mình một cuốn sổ tay.
Nên tập hợp những từ cần học vào cuốn sổ này chứ không phải gặp bất kì từ mới nào cũng ghi. Vì bạn không thể nào nhớ hết chúng.
Thế nào là những từ cần học? Nên bắt đầu với 3.000 ngàn từ thông dụng theo từ điển Oxford.
Ghi chép từ theo chủ đề: thời tiết, nghề nghiệp, thể thao, thức ăn v..v. Học được từ nào hay và thường xuyên dùng thì ghi vào hoặc những từ chưa hiểu, chưa rõ nghĩa cũng ghi vào để tra cứu thêm.
Tôi khuyến khích bạn học nhiều nghĩa của một từ, những từ nó thường đi kèm – gọi là collocation
Chẳng hạn từ “school” – trường học. Nếu các bạn chỉ học “school” theo nhóm từ liên quan đến class hay student thì khi gặp “a school of seahorses”- một đàn cá ngựa, bạn không thể nào ngờ rằng school ở đây nghĩa là “đàn”.
Bên cạnh đó, bạn có thể mở rộng những từ đồng/ trái nghĩa với từ cần học trong sổ tay của mình.
Những từ đồng âm nhưng khác nghĩa cũng có thể gây rắc rối cho bạn khi nghe hoặc nói nếu bạn không lưu ý.
Chơi crossword theo chủ đề cũng rất hữu hiệu.
Vừa giải trí vừa kiểm tra vốn từ của mình. 5 phút chơi crossword giúp bạn nhớ được nhiều từ hơn năm phút ép bản thân học từ.
Bản thân tôi thường chơi một game hồi tiểu học là viết nối từ.
Cách thức như sau: một người viết từ flower, kết thúc bằng chữ “r” người khác ngay lập tức viết nối tiếp từ đó với điều kiện từ mới phải bắt đầu bằng chữ “r”, ví dụ road. Cứ như vậy chúng ta có được một chuỗi từ: Flower_road_daughter_risk_knife_elephant…..
Càng chơi thường xuyên, phản xạ từ của bạn càng nhanh.
Nghe bài hát tiếng Anh yêu thích.
Nhưng hãy chép lời và ngân nga theo ca sĩ. Đừng chỉ nghe không.
Hãy biến tiếng Anh thành người bạn luôn bên cạnh mỗi ngày, ngay cả trong giấc mơ.
Bạn sẽ làm được mọi điều nếu bạn thấy thích điều đó.
Bạn sắp tới đích rồi, chỉ một bước nữa thôi
Bước 3: Viết thành câu
Với bất kì từ mới nào cũng vậy, nên viết thành câu hoàn chỉnh chứa từ đó.
Bạn học thuộc câu này. Sau đó sử dụng trong lời nói của mình. Vì ta học thuộc từ trong ngữ cảnh nên có thể nhớ lâu và chính xác nghĩa của từ.
Đây là một dạng “học đi đôi với hành”.
Chẳng hạn, bạn phải nhớ từ “giraffe”- hươu cao cổ. Hãy viết thành câu: I drink giraffe milk (sữa Alpha Grow) và hình dung một ngày mình sẽ cao “chót vót” như chúng.
Nếu bạn ngại viết thì hãy sử dụng thẻ học từ vựng: vừa giúp bạn nhớ từ, nhớ hình ảnh, lại có sẵn câu ví dụ minh họa.
Tôi xin kết thúc bài viết bằng một đoạn trong bài diễn thuyết “Tomorrow you will be shining- Ngày mai bạn sẽ tỏa sáng” của diễn giả Phạm Quang Hưng- tác giả của loạt video “5 bước để nói một ngoại ngữ”.
“Nếu như trước đây tôi từng ao ước rằng mình sinh ra trên một đất nước nói tiếng Anh để không phải mất bao thời gian cho việc học nói thì giờ đây tôi thấy tiếc cho những người Anh, người Mỹ, người Canada. Những người đó không có cơ hội đối mặt và vượt qua những thách thức mà bạn đang đối mặt và sẽ vượt qua. Những người đó sẽ chẳng bao giờ trải nghiệm được chiến thắng mà bạn sẽ trải nghiệm trên hành trình chinh phục tiếng Anh”.
Bạn là một trong số những người đang theo đuổi hành trình này.
Hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn trên hành trình đó cùng chúng tôi bằng cách để lại comment bên dưới.
Bài viết liên quan
Chúc bạn thành công!